Phong thủy âm trạch

Khi hơi thở cuối cùng đến: Câu chuyện về sự lựa chọn và sự thanh thản

Một vài ý nghĩ sau cùng về thời điểm để chết

Gần đây tôi có được mời tham dự một hội thảo về chủ đề những quyết định cuối đời sau khi được bắt gặp trình diễn vở kịch The Outgoing Tide [tạm dịch: Thủy triều xuống]. Với phần kịch bản được viết bởi Bruce Graham, vở kịch nói về một người đàn ông bị bệnh Alzheimer đã tự sát bằng cách ngồi lên một chiếc xuồng và đi ra ngoài biển khơi. Hội thảo này rất đa dạng. Không chỉ có những chính khách Colorado - những người đã đề xuất ban hành luật Cái chết có phẩm giá mà còn có một chuyên gia nghiên cứu bệnh Alzheimer cùng một phát ngôn viên của tổ chức Compassionate Choices. Phản ứng của những người tham dự cũng vô cùng phong phú, đây là một hình ảnh minh họa cho thấy con người sẽ có những quan điểm khác nhau khi bàn về vấn đề cuối đời. Dù sao đi chăng nữa, tôi chú ý thấy có một nhóm nhỏ gồm những người đang phát biểu rất lớn tiếng. Họ củng cố một niềm tin rằng, bất kỳ hành động nào thúc đẩy cái chết xảy ra sẽ đưa bạn đến địa ngục. Toàn bộ những khán giả khác thì cho thấy họ tin vào điều ngược lại thông qua những câu hỏi và bình luận của mình.

Điều đó khiến tôi suy nghĩ về những cái chết mà mình đã từng chứng kiến. Về cơ bản, tôi tự hỏi bản thân một câu hỏi rất hóc búa và cũng khá kỳ quặc, rằng không biết những người hành động để cho cái chết xảy đến có cảm thấy thanh thản hơn những người cố gắng tránh xa việc ấy hay không. Tôi nhận ra (trong sự ngạc nhiên cực độ) rằng 100% những cái chết “tự hướng dẫn/hỗ trợ” mà tôi từng chứng kiến được nằm trong danh sách "thanh thản" và 100% những cái chết mà người bệnh cố kéo dài tuổi thọ bằng mọi giá lại nằm trong danh sách “không thanh thản". Tôi chưa bao giờ thật sự lĩnh hội được một vấn đề, rằng: Có quá nhiều thứ phụ thuộc vào những hành động cuối đời của người sắp chết. Đương nhiên những ví dụ của tôi vẫn chưa đủ khoa học, nhưng tôi muốn kể ra hai câu chuyện để minh hoạ cho sự khác biệt này.

Cái chết lý tưởng:

Tôi có một người bạn đã được 98 tuổi khi ông bắt đầu bị bệnh nặng. Ông ấy là chủ của một trại nuôi gia súc và trước giờ vẫn làm việc tại đó. Không những vậy, ông còn là một chính trị gia nổi tiếng và đã xây dựng một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết mà tôi vẫn thường đến chơi suốt những tháng năm trưởng thành. Cụ thể hơn, ông ấy là một người rất tài giỏi, nhiệt tình, có chí lớn. Nhưng rồi ông ấy cũng già đi, sức khỏe bắt đầu yếu dần và phải dành khoảng một năm ra vào bệnh viện địa phương nằm trên núi. Trong lần cuối cùng đến bệnh viện, bác sĩ nói với ông rằng ông phải thở bằng máy suốt khoảng đời còn lại. Lúc này, ông ấy nhìn lên con trai mình và nói: “Như vậy là không được làm việc tại trang trại nữa đúng không?"

Người con trai gật đầu.

Và thế là rất nhẹ nhàng, người cha với tay lên và tháo máy thở ra khỏi miệng của mình.

Ông ấy qua đời một tiếng sau đó và được vây quanh bởi các thành viên trong gia đình.

Ông ấy đã đưa ra một quyết định rõ ràng. Trên thực tế, ông ấy biết đã đến lúc mình phải ra đi.

Một câu chuyện buồn hơn đến từ một thành viên trong gia đình tôi. Cô ấy không muốn chết và hành động chối bỏ cái chết của cô ấy khiến cho bản thân cô và những người xung quanh cực kỳ đau khổ. Ở đây, tôi không có ý bất kính với cô ấy hay là gia đình của cô. Cô ấy cũng giống như nhiều người trong chúng ta, cũng cảm thấy sợ hãi, và gần như đã làm toàn bộ những gì có thể. Lúc đó cô ấy cũng còn khá trẻ (khoảng sáu mươi mấy tuổi), khá cứng đầu, và hẳn là kiểu người đã thích gì thì phải thực hiện cho bằng được. Thế nhưng tử thần vẫn mạnh hơn. Tôi là người duy nhất ở cùng cô lúc qua đời và những gì mà tôi chứng kiến thật sự khiến tôi tan nát cõi lòng.

Vài năm trước đó, cô ấy đã bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, căn bệnh đang tiến triển rất nhanh. Cô ấy dành phần lớn thời gian thử nghiệm các phương pháp điều trị và cũng nhờ có công của cô ấy mà những nghiên cứu này mới được tiến hành. Dù biết mình không thể tiếp tục sống tại nhà được nữa nhưng cô ấy vẫn nổi giận với những người họ hàng khi họ chuyển cô đến một cơ sở chăm sóc. Cô ấy cũng không muốn chung sống cùng chúng tôi, không muốn chung sống cùng con gái, không muốn chung sống cùng em gái, nhưng vẫn muốn được sống. Cô ấy tức giận vì mình sắp chết nhưng lại không chịu trò chuyện về việc này, mặc cho tôi đã nỗ lực thuyết phục nhiều lần. Cơn giận cũng giống như một trường lực vậy, nó ngấm ngầm lan tỏa khắp người cô ấy.

Tôi liên tục ôm lấy hy vọng rằng, khi cái chết gần kề – và rõ ràng là nó đang đến ngày càng gần – thì cô ấy sẽ nói về nó, hay nói bất kỳ thứ gì khác cũng được, hay là có thể bình tĩnh hơn và cô ấy sẽ làm quen với tử thần ở một mức độ nào đó. Nhưng không, đây không phải là một bộ phim của kênh Hallmark, mọi thứ đã không diễn ra được như vậy. Cho đến tận giây phút cuối đời, cô ấy vẫn không cảm thấy bình tâm. Vào giây phút ấy, tôi nắm lấy tay cô, đặt tay tôi lên đầu cô. Tôi liên tục nói: Ra đi thanh thản, em ước cho tâm hồn của chị được thanh thản. Đã đến lúc chị phải đi rồi. Và tôi lại nói: Hãy thanh thản.

Cô ấy nhìn chằm chằm lên trên, gương mặt vẫn thể hiện sự giận dữ và đau đớn. Tôi ngồi đó nắm lấy tay cô, xoa bàn chân cô, ôm lấy cô, đặt tay lên đầu cô.

Hãy ra đi thanh thản.

Nhưng cô ấy không hề thấy thanh thản, tôi cũng thế. Đáng ra đây phải là một khoảnh khắc đáng nhớ khiến tôi cảm thấy kiên nhẫn, tử tế và đầy yêu thương. Nhưng những năm tháng đưa cô ấy đi hóa trị, lái xe chở cô ấy và giúp cô di chuyển (trong khi cùng lúc phải đối mặt với vấn đề sức khỏe của bản thân và nuôi dưỡng con cái) chỉ khiến tôi cảm thấy mệt mỏi thêm.

Chúng tôi ngồi đó, cả hai đều đau khổ và tức giận trong khi hơi thở đang dần rời xa cô ấy.

Sau đó, cô ấy trút hơi thở cuối cùng. Tôi không biết phải làm gì. Thế là tôi đứng dậy và mở cửa sổ ra, tôi cho rằng đó là nơi mà linh hồn con người muốn được đến. Rồi tôi ngồi xuống, nhìn chăm chú vào thi thể của cô ấy và thật đáng sợ làm sao, những gì tôi nghĩ trong đầu chỉ là, Cuối cùng cũng xong.

Và một lần nữa, tôi lại nói, Hãy ra đi thanh thản, câu nói này là cho cả chị và tôi.

Chỉ vài tháng sau khi đã được nghỉ ngơi nhiều hơn, tôi mới có thể khóc thương. Khóc thương cho cô ấy và cho những gì đã diễn ra.

Điều đã xảy đến cho tôi cũng xảy đến với rất nhiều người khác, và đó quả là một bi kịch: Người chăm sóc quá mệt mỏi vì phải chăm sóc, còn người bệnh thì quá mệt mỏi vì phải chiến đấu để giành lấy sự sống, và rồi chúng ta quên mất những điều rất đỗi quan trọng. Tôi từng nghĩ, Ước gì mọi thứ có thể lặp lại một lần nữa, và ước gì chúng tôi đã có thể hành động khác đi.

Cái chết của cô ấy đáng ra phải long trọng hơn thế. Một điều mà tôi rút ra được đó là: Đã đến lúc chúng ta thay đổi cách nhìn về cái chết, hãy để nó xảy ra thật thiêng liêng, đặc biệt và ấm áp.

Chết không phải là thất bại về mặt y học hay là thất bại của một cá nhân nào đó. Nó là sự kết thúc của cuộc sống theo lẽ tự nhiên. Tôi nghĩ người bạn làm việc tại trang trại của tôi đã thấu hiểu được điều này. Ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, những phương pháp trị liệu cường độ cao cũng không khác gì bị xử phạt bằng cực hình. Và khi so sánh hai cái chết này, những gì tôi có thể nghĩ đến là: Chúc cho chúng ta có thể nằm yên vị một chỗ, ngước lên nhìn người mà chúng ta yêu thương và rồi tháo máy thở.

Tôi biết việc này rất khó. Cái chết vẫn luôn luôn ám ảnh con người. Có lúc chúng ta băn khoăn về nó, có lúc nó trở thành một nỗi sợ lành mạnh của chúng ta. Dù trong trường hợp nào đi nữa thì nỗi sợ về cái chết cũng sẽ dẫn dắt cho ta. Bạn không thể loại bỏ nỗi sợ bằng việc trốn chạy khỏi nó, không thể nào đâu. Bất kỳ chuyên gia tâm lý giỏi nào cũng đều khuyên chúng ta loại bỏ nỗi sợ bằng cách đối mặt với nó. Chúng ta sẽ phải đối mặt thôi. Cùng nhau đối mặt, và rồi tự mình đối mặt. Để trút bỏ hơi thở cuối cùng ấy. Dù là nhanh hay chậm thì với một chút sự nỗ lực, ta có thể biến cái chết trở thành một khoảnh khắc thiêng liêng.

`