Địa chỉ: 38 Trương Quốc Dung, Phường 8, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
|Email: info@nhathanhpho24h.com
Hotline: 09811 78617
Hướng dẫn để chết: một khóa học cấp tốc về nghệ thuật từ giã cõi đời
Hãy luôn sẵn sàng để đón nhận cái chết: Như vậy thì chết hay sống cũng sẽ mang một hương vị ngọt ngào hơn. William Shakespeare
Hành trang từ trần dành cho bạn
Ý kiến của tôi về cái chết ư? Dĩ nhiên là tôi hoàn toàn phản đối rồi.
Thế đấy, nhưng tôi nhận thua trong cuộc tranh luận này và hơn nữa, cũng đâu có gì để mà phải bàn cãi. Sớm muộn gì tôi cũng sẽ chết thôi.
Việc đầu tiên chúng ta phải làm chính là chấp nhận một sự thật rằng mình không thể nào trường sinh bất tử được. À nhưng mà thôi đi, làm vậy thì khó lắm! Thậm chí cho dù chúng ta có lặp đi lặp lại câu “Đã sống thì phải chết" hết lần này đến lần khác và lặp đi lặp lại thêm nhiều lần nữa thì tôi đoán là cuối cùng, vẫn sẽ có nhiều người trong chúng ta không dễ dàng gì chấp nhận kết cục không tránh khỏi này. Nhưng sự thật vẫn chưa hết đâu: Cái chết ngày nay vẫn còn là một bí ẩn lớn, và bí ẩn này cũng là một bí ẩn hiển nhiên. Chúng ta không biết nhiều về cái chết hay bản thân mình sẽ chết như thế nào, nhưng chúng ta lại cần phải trải nghiệm nó. Quá trình thật sự của việc từ giã cõi đời cũng chính là hoạt động thể chất cuối cùng trong cuộc sống. Và bằng cách chia nhỏ quá trình ấy ra, có thể chúng ta sẽ thành công đối mặt với hiện thực tàn khốc này.
Tôi mong rằng giây phút cuối cùng của mình trên đời sẽ vẻ vang, đẹp đẽ, dễ chịu và cực kỳ bình thản. Đầu tôi sẽ ngẩng cao và trái tim tôi sẽ can trường, tôi sẽ sẵn sàng và vững vàng để hít vào lần cuối nhưng than ôi, không thở ra được nữa rồi. Khi tôi chào đời, tôi đã được hít vào hơi thở đầu tiên ấy; và khi chết đi, tôi sẽ thở ra hơi thở cuối cùng này. Nhưng thật lòng mà nói thì tôi hiểu bản thân quá rõ. Vì vậy, tôi e rằng giây phút cuối cùng của đời mình sẽ trở thành một khoảnh khắc rồ dại, dở hơi bơi ngửa nào đó mà tôi sẽ không bao giờ có cơ hội thứ hai để thực hiện lần nữa.
Chính vì thế, tôi dần tin tưởng rằng cái chết xứng đáng được chúng ta dành toàn bộ sự chú ý và thực hiện một chút công tác chuẩn bị trước. Nhưng theo tôi thấy thì có vẻ như là ngược lại thì đúng hơn. Chúng ta chẳng bao giờ chuẩn bị trước cả, thật đấy. Có bao nhiêu người trong chúng ta nghiêm túc suy nghĩ về cái chết hay cân nhắc xem là mình muốn chết như thế nào? Hoặc là, nếu chúng ta đã từng suy nghĩ về cái chết, có bao nhiêu người làm được như ước nguyện? Không nhiều đâu: 75% người Mỹ nói rằng họ muốn qua đời tại nhà, nhưng chỉ 25% là làm được như vậy. Không những vậy, chúng ta còn phải trải qua các đợt trị liệu cường độ cao trước khi chết. Lấy ví dụ, theo như một nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew, hầu như 70% người Mỹ bảo rằng họ muốn được tiếp nhận điều trị với cường độ thấp và được ra đi tự nhiên hơn, nhưng có đến 42% phải tiếp nhận điều trị với cường độ cao trong sáu tháng cuối trước khi chết. Và điều khiến người ta kinh ngạc hơn nữa là trong một nghiên cứu khác của họ về vấn đề tử vong, có chưa đến một nửa những người trong độ tuổi quá 75 thật sự suy nghĩ về khoảnh khắc ra đi của họ. Tôi lặp lại: Có chưa đến một nửa số người quá độ tuổi nghiêm túc suy nghĩ về kết cục đang đến rất gần của mình? Thật á?
Tôi cảm thấy rất chán nản, mặc dù tôi cũng hiểu là có rất nhiều lý do dẫn đến việc này. Tôi thông cảm với thân phận của nhân loại, bởi lẽ tôi cũng là một con người. Nhưng dù sao đi nữa: Hiện có rất ít người Mỹ được qua đời theo như cách mà họ mong muốn và lý do chính là vì họ đã không chuẩn bị cho sự ra đi của mình, dù là về vật chất (thông qua các văn kiện pháp lý), tinh thần (làm quen với cái chết), hay là chiến lược (hiểu rõ chi tiết về quá trình ấy và kết cục của nó sẽ như thế nào trong thực tế). Chúng ta nếu không hoàn toàn lờ việc ấy đi, thì cũng phát biểu một điều gì đó chung chung, đại loại như: "Nếu tình hình trở nên xấu đi, cứ việc đem tôi ra ngoài rồi bắn chết.” Nhưng mà thử nghĩ xem, nói như vậy nghe có thực tế không cơ chứ?
Có một số lý do chính khiến cho chúng ta e ngại khi nghĩ về Hành Trang Từ Trần một cách nghiêm túc, và tôi đoán là các bạn đều có nỗi khổ riêng. Tuy nhiên, theo như tôi thấy thì dưới đây là năm lý do chính khiến con người né tránh việc chuẩn bị cho cái chết của họ:
Một: Không một ai (hoặc rất ít người, tùy theo niềm tin của bạn) quay trở lại và nói cho chúng ta biết về cái chết, không có ai chết đi sống lại để miêu tả đầy đủ về nó, hoặc cung cấp cho chúng ta một số manh mối xem chúng ta nên làm gì là tốt nhất. Đó là tại sao nói về cái chết với người sống cũng giống như đang bàn về quan hệ tình dục với cả đám người còn trong trắng vậy; thông tin về cái chết ở ngoài kia vẫn có, nhưng không được chi tiết và đầy đủ. Và những cuộc hội thoại kiểu ấy cũng sẽ dần trở nên nhạt nhẽo.
Hai: Tâm lý của con người luôn chống lại ý nghĩ về sự kết thúc. Cho dù tôi có cố gắng thoát khỏi bản ngã của chính mình như thế nào đi nữa, cá nhân tôi vẫn sẽ rất nhớ linh hồn mang tên Laura này. Tôi mến cô ấy, và tôi biết cô ấy mong muốn được tồn tại. Chỉ là tôi muốn nghĩ đến cái chết của cô ấy, ừm... sau.
Ba: Với tư cách là con người, chúng ta có xu hướng tin rằng, ngày mai cũng không khác hôm nay là mấy; nếu chúng ta cho rằng mọi thứ không còn được như trật tự vốn có nữa thì sẽ không đúng với lẽ tự nhiên cho lắm. Tâm lý đáng thương của con người sẽ bị chới với nếu họ không cảm nhận được khoảng thời gian phía trước và sự ổn định.
Bốn: Chúng ta không biết cái chết của mình sẽ diễn ra khi nào và diễn ra tại đâu. Có thể chúng ta bị xe tông tại bãi đậu xe của nhà thờ, hoặc bị mắc nghẹn bởi một củ cà rốt. Cũng có thể chúng ta bị bắn bởi vì một người tình nhân ghen tuông. Bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu, chỉ còn sống được hai mươi năm nữa nhưng lại chết vì trượt ngã trên băng tuyết. Có thể chúng ta chết khi vừa tham gia chuyến đi nghỉ dưỡng của Phật giáo về chủ đề Hành Trang Từ Trần và đang trên đường về nhà, việc này đã từng xảy ra với một người rồi đấy. Làm cách nào chúng ta có thể lên kế hoạch cho một việc quá ư là ngẫu nhiên và không thể nào đoán trước được như thế chứ?
Năm: Chúng ta ôm ấp một niềm tin sâu sắc và mê tín rằng suy nghĩ đến cái chết sẽ khiến cho việc ấy xảy ra. Cũng giống như một người mê thể thao lo sợ rằng anh ấy sẽ gặp xui nếu mang vớ sai màu. Hay chúng ta thường cho rằng, việc viết di chúc sẽ có một phép màu nào đó sắp đặt một loạt các sự kiện xảy ra khiến cho tờ di chúc trở thành vật hữu dụng. Hoặc suy nghĩ về ung thư thì sẽ bị ung thư. Chúng ta đều biết những giả thuyết trên nghe không có chút logic nào, thế nhưng... việc nghĩ ngợi về cái chết vẫn khiến cho một số người cảm thấy rùng mình.
Nhưng mà một ngày nọ, có một sự kiện đã xảy ra. Có thể là một kết quả chẩn đoán từ bác sĩ. Có thể là cái chết của một ai đó. Cũng có thể là một khoảnh khắc thông suốt. Lúc ấy, chúng ta nhận ra chẳng có lý do nào ở phía trên là thỏa đáng cả, tử thần vẫn sẽ tìm đến bạn. Có thể là hôm nay, mười phút nữa. (Trong trường hợp ấy: Hãy đọc thật nhanh!) Ngày mai, hai mươi năm hoặc năm mươi năm nữa. Không biết vì sao, giây phút đó bạn lại đặt điện thoại xuống và nhìn thẳng vào mắt của bác sĩ. Chỉ mất vài giây để đón nhận tin tức thôi nhưng bạn đã và đang cảm thấy như đang đứng hay ngồi trong một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới vô cùng đáng sợ. Tất cả những khoảng thời gian đưa ra phỏng đoán mà bạn từng tin tưởng giờ đây trở nên vô định. Mặt đất dưới chân biến thành bãi cát lún nhấn chìm bạn. Và chúng ta trở nên ám ảnh với việc phải làm sao cho đúng đắn.
Kể từ khoảnh khắc còn ở độ tuổi mười mấy và đào bộ xương người kia lên, tôi đã bị cuốn hút bởi cái chết. Có những lúc, nỗi ám ảnh không lành mạnh vì bị rối loạn thần kinh này đã một hoặc hai lần khiến tôi hoảng loạn. Nhưng cũng có những lúc, nó khiến tôi tỉnh ngộ và trưởng thành một cách yên ả và diệu kỳ. Tôi cho rằng, lý thuyết chung mà mình đã áp dụng chính là: Nếu tôi đã sợ chết đến như vậy, tôi nên tìm ra cách nào đó để đừng sợ nỗi sợ của chính mình, cách nào đó để tiếp nhận nỗi sợ ấy. Hoặc theo như cách người ta hay nói là làm bạn với nỗi sợ. Hãy mời nó một ly bia, hay là cho nó quá giang đến sân bay chẳng hạn.
Tôi có chút cảm giác mơ hồ rằng cách này sẽ có hiệu quả bởi vì trước đây tôi đã thành công thử qua một lần rồi. Ngoài cái chết ra, một nỗi sợ khác cũng lớn không kém của tôi chính là sợ bay. Không chỉ vì cảm giác kỳ lạ khi bị lơ lửng trên không trung và bị mất kiểm soát đâu, nhưng như trước đó tôi có từng nhắc đến, những năm tháng tuổi thơ của tôi đã lớn lên trong một căn nhà có chứa một mảnh vỡ. Đó là mảnh vỡ từ chiếc máy bay dân dụng cỡ nhỏ của Cessna mà người chồng đầu tiên của mẹ tôi từng điều khiển và qua đời trong đó. Vì vậy bạn thấy đấy, tôi nghĩ tôi cũng có cái lý của riêng mình. Tuy nhiên, nỗi sợ này trở nên thật phiền hà và ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi (thật đấy, đợt nào đi quảng bá sách tôi cũng phải uống rất nhiều thuốc) đến nỗi cuối cùng, tôi quyết định xung phong làm phóng viên cho một chuyến đi ngắn ngày băng qua miền Tây trên loại máy bay dân dụng cỡ nhỏ. Tôi đã nhờ một người phi công tên Gary hướng dẫn sơ qua cách điều khiển máy bay. Giả thuyết của tôi chính là, nếu như tôi thấu hiểu nỗi sợ, đối mặt với nó và tiến về phía trước, nỗi sợ sẽ không còn thống trị được tôi. Mặc dù đã bị nôn mửa sau khi ra khỏi máy bay – thời tiết của tuần đó cũng có vẻ rất xấu kèm theo gió mạnh, nhưng giả thuyết của tôi lại chính xác. Kể từ sau khi được Gary chỉ dẫn, tôi chỉ cần thực hiện vài bài tập hít thở là đã có thể lên được máy bay.
Như vậy, tôi đã khám phá ra rằng tốt hơn hết là mình nên làm bạn với thần chết. Nhưng tất nhiên, cuộc sống lại xen ngang. Tôi bận rộn với những thứ như học hành, công việc, viết lách, nuôi con, chăn gà, giảng dạy, leo núi, khám phá hành tinh này, v.v. và v.v. Sau đó thì tôi trải qua một biến cố khiến cho mọi thứ đều thay đổi. Tôi trình bày câu chuyện ngắn gọn như sau, đột nhiên có một hôm tôi cảm thấy cổ và xương đầu của mình cứ như bị giật điện cao thế vậy, và tôi phải chịu đựng cảm giác đó 24/7. Các chẩn đoán từ bác sĩ rất nhiều và đa dạng, nào là bệnh đa xơ cứng cho đến loạn trương lực cơ cổ. Những đợt chụp cộng hưởng từ cho não và chụp cắt lớp lặp đi lặp lại, những lần tiêm thuốc, thử máu, bị thọc vào người, những tiếng chuông inh ỏi, những đợt kiểm tra sức khỏe thần kinh ngày một tăng thêm. Và sự thất vọng của tôi cũng vì đó mà tăng theo.
Việc chịu đựng những cơn đau sẽ dạy cho bạn rất nhiều điều. Điều thứ nhất chính là cơ thể người cũng giống như một tù giam dùng để nhốt các tế bào vậy, một tù giam rất kiên cố và khép kín. Bạn bị mắc kẹt ở đó, trong cơ thể yếu đuối của chính mình. Bạn không tài nào thoát ra được! Đau đớn cũng dạy bạn rằng chẳng có cách nào để bạn xoay sở đâu; bởi vì nó mạnh hơn bạn. Đau đớn không quan tâm bạn đã gặp qua bao nhiêu bác sĩ hay đã tiêu tốn hết bao nhiêu tiền. Nó sẽ nói với bạn rằng bạn chẳng còn lối thoát nào cả, ngoại trừ cái chết, và nếu đã như thế (để đề phòng trường hợp là như thế thật!) thì bạn cần phải chuẩn bị sẵn sàng. Thậm chí, nếu như tôi không nghĩ đến việc tự sát đi nữa thì cường độ đau đớn mà tôi phải chịu cũng nghiêm trọng đến mức khiến tôi nhận ra cơ thể mình có gì đó rất không ổn, và tôi biết tôi không thể chịu nổi những cơn điện giật quá lâu.
Lúc tôi nhìn thấy sự bối rối trên gương mặt của các y bác sĩ cũng như sự bối rối trên gương mặt của chính mình khi nhìn vào gương, tôi đã có một suy nghĩ đơn giản: Ôi, Laura à. Tôi thật sự xin lỗi. Có lẽ chúng ta phải tìm một phương pháp thích hợp để ra đi thôi. Đột nhiên, tôi phát hiện bản thân mình đang cố gắng học hỏi thêm kiến thức. Bất cứ thông tin gì người ta cung cấp về quá trình qua đời, bất cứ thứ gì. Và tôi tìm kiếm với tốc độ rất nhanh. Như đã nói, tôi vẫn chưa gặp được người nào ra đi trong trạng thái thanh thản và sẵn sàng, một sự ra đi mà tôi có thể chỉ vào đó và tuyên bố, “Tôi muốn có một cái chết giống như vậy.” Nhưng tôi biết chắc chắn là đâu đó ở ngoài kia, có vài người đã ra đi thanh thản. Có điều gì họ biết mà tôi chưa biết vậy? Trước kia, tôi còn chưa biết chẩn đoán bệnh của mình có ý nghĩa gì nữa kìa, và tôi cũng không biết là sớm muộn nó có giết chết tôi hay không hay là không giết chết tôi nhưng làm tôi đau đớn hay gì đó. Dù có như thế nào đi nữa, tôi cảm thấy mình cần phải nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng.
Lẽ dĩ nhiên, tôi bắt đầu bằng việc đọc sách. (Dù sao đi nữa thì tôi cũng làm công việc viết lách, và lý do tôi viết là vì tình yêu của mình dành cho những cuốn sách.) Sau đó, tôi bắt đầu tham dự các hội thảo và những kỳ nghỉ dưỡng thuộc nhiều thể loại khác nhau – một số mang tính chất tôn giáo, số khác là để học hỏi về Phật giáo, số còn lại dành cho mục đích an dưỡng cuối đời. Có một kỷ niệm đáng nhớ liên quan đến cái chết và một người bạn tập yoga chung với tôi. Tôi từng tập một tư thế đòi hỏi người tập phải dùng xương chậu để giữ thăng bằng, và tôi đã thực hiện tư thế này trên đôi chân của một người phụ nữ 80 tuổi. Đôi lúc cuộc sống lạ lùng như vậy đấy. Tiếp theo, tôi bắt đầu phỏng vấn những người tôi quen biết, bao gồm người sắp chết, người làm công tác tại nhà an dưỡng cuối đời, nhà tâm lý trị liệu, chuyên gia tư vấn về các tình cảnh đau khổ trong cuộc sống, một ca sĩ Threshold. Sau đó, tôi lập ra các danh sách cho mình rồi lặp lại quá trình ấy một lần nữa (đọc sách mới, tham gia các kỳ nghỉ dưỡng mới, phỏng vấn thêm người mới, nghiên cứu thông tin mới, lập danh sách mới). Và rồi cứ lặp đi lặp lại như thế.
Sau toàn bộ những lần đọc sách, phỏng vấn, lập danh sách, làm bài tập, viết nhật ký, điều trị... Đúng, tôi đã có được một vài tiến triển. Tôi cảm thấy nếu như cơn đau đầu/ điện giật có đột ngột giết chết tôi thì tôi cũng chuẩn bị tinh thần thêm được một chút. Dĩ nhiên là tôi chưa sẵn sàng để ra đi hay muốn ra đi, nhưng ít ra thì bây giờ tôi cũng cảm thấy thanh thản hơn khi nghĩ đến việc ấy. Tôi bắt đầu viết nhật ký, bên trong nhật ký là một bản hướng dẫn cơ bản dành cho những người thân yêu của tôi... bao gồm tang lễ mà tôi mong muốn, kiểu người mà con tôi nên giao tiếp, tôi cũng muốn có nhiều người trông chừng chúng theo nhiều cách khác nhau...
Thời điểm này, tôi đã tích lũy được một số trích dẫn về tầm quan trọng của việc suy ngẫm về cái chết. Tôi đã nghiên cứu để hình thành câu chân ngôn trước lúc chết của riêng mình một cách siêng năng hơn cần thiết. Tôi có đầy những mảnh giấy in các danh ngôn thông thái rơi rớt trong văn phòng, các cuốn sách nằm ở khắp mọi nơi, ghi chú thì rải đầy trên bàn làm việc. Hơn nữa, vì bạn bè và gia đình liên tục khuyên bảo nên tôi cũng dành thời gian để đến bệnh viện và các trung tâm chăm sóc sức khỏe nhiều hơn.
Cuối cùng, sau vài năm quay cuồng với cả đống xét nghiệm thì căn bệnh mà tôi mắc phải được phát hiện là bệnh đau dây thần kinh sinh ba, thường được gọi là “căn bệnh tự sát". Lý do là bởi vì có rất nhiều người mắc bệnh đã tự kết liễu đời mình, họ không chịu nổi tình trạng đau đớn dữ dội của căn bệnh. Những cảm giác mà tôi đã và vẫn đang phải trải qua là những áp lực đột ngột kèm theo cảm giác châm chích phía sau nhãn cầu mắt trái và cả xương gò má. Cứ như là đột nhiên bị đau răng kinh khủng rồi còn bị ai đó lấy cây nữa đâm vào mắt bạn vậy. Dù sao thì tôi vẫn còn khá may mắn, bởi vì mức độ đau đớn mà tôi chịu đựng có vẻ vẫn đỡ hơn so với nhiều bệnh nhân khác. Cơn đau của họ còn nghiêm trọng đến mức hoàn toàn không thể đứng dậy nổi. Phẫu thuật não đã chữa lành cho một số bệnh nhân mà tôi gặp được, nhưng cũng không phải toàn bộ trong số đó. Vả lại, một vài người còn bị đau đớn thường xuyên, trong khi tôi chỉ bị đau nhẹ và thỉnh thoảng mới bị một lần, còn cái mà tôi nói là đau dữ dội thì một tháng chỉ trải qua vài lần như thế. Nhưng dù sao thì tôi vẫn không muốn phải trải qua bất kỳ cơn đau nào cả dù là đau nhẹ hơn đi chăng nữa và cũng không muốn bất cứ một ai phải chịu đựng nó. Kể từ khi bị chẩn đoán mắc bệnh, tôi rơi vào trạng thái câm lặng và chìm xuống hố sâu của tuyệt vọng và đau đớn trong một khoảng thời gian. Nhưng sau đó, tôi đã tự giải thoát cho chính mình. Tôi tiếp tục kiểm soát con đau và có lúc còn loại bỏ được nó nữa. Song song với lúc ấy, tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm phương pháp để chuẩn bị cho giây phút thiêng liêng khi tôi trút hơi thở cuối cùng, bởi vì tôi nhận ra đó là một hành trình tuyệt đẹp.