Phong thủy âm trạch

Những Cuốn Sách Nói Về Cái Chết: Hành trình tìm kiếm câu trả lời về cuộc sống và cái chết

Những Cuốn Sách Nói Về Cái Chết

Mỗi ngày, có đến hai trăm năm mươi nghìn người trong chúng ta qua đời. Suy ra, có một trăm lẻ tám tỷ người đã tồn tại trên cõi đời và rồi chết đi.

Vậy, những cuốn sách hay nói về cái chết đang nằm ở đâu?

Tôi phát hiện ra có rất nhiều những cuốn sách như thế. Và thực chất, tôi đã tìm thấy rất nhiều cuốn sách hay ho, kỳ lạ và rất hữu ích. Ví dụ, vào thế kỷ XIV, có một cuốn sách nói về nghệ thuật của việc ra đi thanh thản (tên gọi là Ars Moriendi, nghĩa là “Nghệ thuật từ giã cõi đời", cũng không khó đoán lắm), và kể từ đó cũng có một vài cuốn sách khác nói về nghệ thuật của cái chết ra đời (ví dụ như sách của các tín đồ của Phật giáo Tây Tạng chẳng hạn, họ thật sự rất có hiểu biết về vấn đề này). Có những cuốn sách nói về trải nghiệm lúc cận kề cái chết và có cả những người đã từng được ghé thăm thiên đàng. Sách dành cho các tôn giáo và phong tục tâm linh khác nhau thì có vô vàn, nhưng chúng không phù hợp với nhu cầu của tôi cho lắm bởi vì nội dung trong đó khác với tư tưởng ngoại đạo của tôi. Có rất nhiều sách hay nói về sự thống khổ viết bởi các chuyên gia tâm lý lẫn các tác giả. Những cuốn sách này rất quan trọng nhưng cũng không phải là thể loại chính xác mà tôi đang tìm kiếm. Có một số hồi ký hay xuất sắc, mặc dù đúng là không có cuốn nào được viết bởi những người đã chết hay người đang trên đường chết. Có những cuốn sách kinh điển viết về cái chết, chẳng hạn như cuốn The Denial of Death [tạm dịch: Chối bỏ cái chết] bởi tác giả Ernest Becker, ông ấy khẳng định rằng nỗi khiếp sợ trước cái chết chính là yếu tố chi phối hầu như mọi hoạt động của chúng ta; có cả cuốn On Death and Dying [tạm dịch: Chết và chờ chết] của tác giả Elisabeth Kübler-Ross, người đã gọi cái chết là “điều cấm kỵ sau cùng và vĩ đại nhất", và cuốn Graceful Exits [tạm dịch: Ra đi trong thanh thản) của Shushila Blackman, cô ấy đã viết cuốn sách này khi đang cố làm quen với kết cục sắp tới của mình và cuốn sách đã được xuất bản chỉ vài tháng trước khi cô qua đời. Có một vài cuốn sách rất thú vị nói về thi hài người chết: Cuốn Stiff [tạm dịch: Tử thi] của tác giả Mary Roach và Smoke Gets in Your Eyes (and Other Lessons from the Crematory) (tạm dịch: Khói bay vào mắt (những bài học tại lò hỏa táng)] viết bởi Caitlin Doughty, một cô gái làm dịch vụ tang lễ trong độ tuổi hai mươi mấy và cũng bị thu hút bởi cái chết ngay từ khi còn nhỏ (giống như tôi). Cuối cùng, tôi đã tìm ra những cuốn sách nói về tư tưởng văn hóa của việc tiếp nhận cái chết. Tác phẩm yêu thích của tôi là cuốn Knocking on Heaven's Door [tạm dịch: Gõ cửa thiên đàng] của tác giả Katy Butler, cuốn sách kể về việc cha mẹ cô qua đời.

Trong quá trình đọc sách, tôi đã khám phá ra một sự thật đáng kinh ngạc: Hiện nay, có một nửa số sách nói về cái chết được viết bởi những người không chuyên thay vì các bác sĩ. Có nghĩa là chúng được viết ra bởi những người bình thường giống như tôi, những người cảm thấy họ có sức mạnh để giành lại quyền quyết định sống chết từ tay bác sĩ và ủng hộ những phương pháp ra đi thích hợp hơn. Ngoài kia có rất nhiều hướng dẫn thực tế về việc qua đời, một số hướng dẫn kêu gọi mọi người phải vực dậy tinh thần và thật sự thì đó cũng là những hướng dẫn mà tôi đặc biệt yêu thích.

Thế nhưng tôi phải thừa nhận một việc: Sau khi nghiền ngẫm xong những cuốn sách này, dù là những cuốn rất xuất sắc đi nữa thì tôi vẫn chưa rõ mình nên chết như thế nào. Tôi muốn toàn bộ các lời khuyên bổ ích được gom vào một chỗ. Đương nhiên là dành cho chính tôi! Bởi vì tôi vẫn chưa chắc mình có thể làm những gì để được “ra đi thanh thản" theo đúng nghĩa đen và thực tế. Thật lòng mà nói, tôi muốn một thứ gì đó thiết thực, một bản hướng dẫn chỉ cho tôi nên làm thế nào, hoặc một bản hướng dẫn để chết dành cho kẻ ngốc chẳng hạn. Và thực tình thì tôi cũng đã chán nản trước sự tăm tối của những cuốn sách này.

Đột nhiên tôi nghĩ rằng, ngoài kia cũng có rất nhiều người như tôi. Họ đang thiếu một hướng dẫn rõ ràng và thiết thực. Và tệ hơn nữa là chúng ta đang sống trong một thời kỳ với nền văn hóa khiến cho chúng ta nghĩ chết là một cái gì đó rất tiêu cực. Tất cả những điều này khiến cho chúng ta khó khăn, và thậm chí là không khôn ngoan khi đưa ra quyết định. Ví dụ, chúng ta quyết định kéo dài tuổi thọ thậm chí nếu như hậu quả là phải chịu thêm nhiều đau đớn. Một số khác thì phải qua đời tại những nơi không được như ý nguyện, theo cách không như mong muốn, và họ để lại mớ hỗn độn cho người khác dọn dẹp.

Vì thế, tôi viết ra cuốn sách này là để tự cứu lấy chính mình đầu tiên cũng như trước nhất. Đây là một sự nỗ lực đầy vị kỷ. Nhưng tôi hiểu là cái chết không giống như những thứ khác, nó khiến cho một vài người trong chúng ta bị ám ảnh. Thật đấy, ý tôi là tất cả những nỗi sợ còn lại như sợ phát biểu trước công chúng, sợ bay, sợ sâu bướm, sợ giỏi bọ – vâng, những nỗi sợ ấy chẳng đáng kể so với cái chết. Chính vì vậy, tôi dành tặng bạn cuốn sách này với một hy vọng chân thành rằng, nó sẽ cung cấp cho bạn một số biện pháp để đối mặt với tử thần phía trước.

Chúng ta sẽ phải đối mặt thôi. Cùng nhau đối mặt, và rồi tự mình đối mặt. Để trút bỏ hơi thở cuối cùng này.